Mục lục
Bạn đang chuẩn bị kinh doanh khách sạn, nhưng chưa biết “đăng ký kinh doanh khách sạn ở đâu”; “điều kiện, thủ tục và hồ sơ xin giấy phép kinh doanh khách sạn như thế nào”? Vậy thì hãy đọc bài viết này của Design Webhotel ngay nhé!
I. Điều kiện xin giấy phép kinh doanh khách sạn
Trước khi tìm hiểu về điều kiện, hồ sơ và thủ tục xin giấy phép kinh doanh khách sạn, bạn cần nắm rõ khái niệm “giấy phép kinh doanh”. Giấy phép kinh doanh là loại giấy được cấp cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có kinh doanh ngành nghề có điều kiện. Loại giấy này khác với Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và thường được cấp sau.
Khách sạn là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì vậy cần phải xin giấy phép khi kinh doanh khách sạn.
Để xin giấy phép kinh doanh khách sạn bạn và khách sạn của bạn cần đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây.
1. Điều kiện pháp lý để tổ chức kinh tế hay cá nhân kinh doanh khách sạn
- Đối với các doanh nghiệp thì phải có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo các quy định hiện hành. Giấy phép thành lập ghi rõ chức năng kinh doanh ngành hàng tương ứng và đã được đăng ký tại cơ quan Trọng tài kinh tế thành phố.
- Đối với cá nhân hoặc nhóm kinh doanh dưới vốn pháp định thì phải có giấy chứng nhận hộ kinh doanh.
2. Điều kiện về cơ sở vật chất
Khách sạn là nơi lưu trú chủ yếu dành cho khách vãng lai, có kiến trúc thuộc loại kiên cố, bảo đảm an toàn và đạt các yêu cầu sau:
- Cơ sở kiến trúc phù hợp yêu cầu khách sạn, ở tại vị trí được phép mở khách sạn, phù hợp nhu cầu khu vực, thuận tiện về giao thông cho các loại xe ra vào và có nơi đậu xe theo như quy định.
- Có tối thiểu từ 10 phòng trở lên và tiện nghi sinh hoạt phù hợp từng loại khách sạn. Dưới 10 phòng gọi là nhà có phòng cho thuê không phải là khách sạn.
- Cán bộ quản lý, phục vụ có trình độ chuyên môn phù hợp.
- Nội quy khách sạn phải thể hiện các quy định chung của thành phố và được phép nêu tính đặc thù của khách sạn.
3. Điều kiện về địa điểm kinh doanh
- Khách sạn chỉ được cấp phép kinh doanh khi có địa điểm kinh doanh thuận tiện, tuyệt đối không gây trở ngại giao thông, không lấn chiếm lòng lề đường, và phải ở cách cơ quan ngoại giao, cơ sở tôn giáo, trường học, bệnh viện tối thiểu 100 mét.
- Người xin phép mở điểm kinh doanh phải chứng minh đầy đủ quyền sử dụng mặt bằng nơi đặt cơ sở theo quy định hiện hành.
4. Điều kiện vệ sinh
- Người quản lý, người trực tiếp phục vụ, người chế biến thức ăn tại các khách sạn phải bảo đảm sức khỏe bình thường, không mắc các loại bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da. Giấy chứng nhận sức khỏe có giá trị không quá 6 tháng.
- Tùy theo quy mô các khách sạn phải có nhà vệ sinh trong từng phòng hoặc nhà vệ sinh chung (có phân biệt nam nữ), được xây dựng đúng quy cách và không ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của khách tại khách sạn. Nhà vệ sinh phải ngăn cách với nơi chế biến thức ăn.
- Khách sạn phải có hệ thống thoát nước bẩn theo đúng quy tắc vệ sinh của thành phố.
- Nếu các khách sạn sử dụng nguồn nước không phải là nước máy của cơ quan cấp nước thành phố thì phải được cơ quan y tế có thẩm quyền xét nghiệm theo định kỳ, bảo đảm tiêu chuẩn nước sạch dùng cho ăn uống.
- Dụng cụ dùng phục vụ cho việc ăn uống, nghỉ ngơi của khách tại các khách sạn cần phải được sắp xếp và giữ gìn sạch sẽ.
- Tại mỗi khách sạn phải trang bị đầy đủ các dụng cụ phòng cháy, chữa cháy theo sự hướng dẫn của cảnh sát phòng cháy chữa cháy.
Tham khảo thêm: Muốn kinh doanh khách sạn cần những gì? Kinh doanh khách sạn cần điều kiện gì?
II. Đăng ký kinh doanh khách sạn ở đâu
1. Cơ quan đăng ký kinh doanh (Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh)
Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ cấp giấy chúng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Như vậy, nếu muốn đăng ký kinh doanh khách sạn thì bạn phải đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (nếu là doanh nghiệp) hoặc đến Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (nếu là hộ kinh doanh) nơi mà bạn kinh doanh.
2. Cơ quan cấp giấy phép kinh doanh khách sạn
Sở Thương mại được Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền xét cấp phép kinh doanh khách sạn cho các doanh nghiệp. Nếu là doanh nghiệp thì xin giấy phép kinh doanh khách sạn ở Sở Thương mại tỉnh/ thành phố nơi bạn kinh doanh khách sạn.
Ủy ban nhân dân quận, huyện xét cấp giấy phép kinh doanh cho cá nhân hoặc nhóm kinh doanh dưới vốn pháp định. Nếu là hộ kinh doanh thì xin giấy phép kinh doanh khách sạn ở Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi mà bạn kinh doanh khách sạn.
III. Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh khách sạn
Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh khách sạn bao gồm:
- Đơn xin phép kinh doanh.
- Bản sao giấy phép thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
- Chứng từ liên quan đến việc sử dụng mặt bằng nơi đặt cơ sở kinh doanh.
- Bản thiết kế hệ thống phòng cháy chữa cháy (do cơ quan chức năng thực hiện) và phương án bảo vệ an ninh trật tự.
- Sơ đồ tổ chức khách sạn. Sơ đồ hệ thống thông tin liên lạc và các thiết bị thông tin liên lạc được trang bị (nếu có).
- Bản khai lý lịch của chủ cơ sở và người quản lý, có kèm giấy khám sức khỏe xác nhận không mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da. Riêng người trực tiếp phục vụ, người chế biến thức ăn chỉ cần danh sách trích ngang kèm giấy khám sức khỏe.
- Nếu khách sạn có tổ chức các loại hình văn hóa như ca nhạc, karaoke… phải có giấy phép của ngành văn hóa thông tin.
- Các giấy tờ khác chứng minh đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khách sạn (nếu có)
IV. Thủ tục xin giấy phép kinh doanh khách sạn
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ
Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền (phần II)
Bước 3: Sau khi nhận hồ sơ xin giấy phép kinh doanh khách sạn, Sở Thương mại hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện chuyển cho cơ quan công an cùng cấp các giấy tờ theo quy định để được xem xét xác nhận đủ điều kiện bảo đảm về an ninh trật tự và cơ quan công an phải phúc đáp trong vòng 15 ngày (kể từ ngày cơ quan công an nhận hồ sơ). Sau đó cơ quan cấp giấy phép kinh doanh khách sạn sẽ trả lời kết quả cho đơn vị nộp hồ sơ. Có hai kết quả, được cấp phép hoặc không được cấp phép. Nếu không được cấp phép, khách sạn cần bổ sung thêm các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu (nếu có) để được cấp phép.
Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi “Đăng ký kinh doanh khách sạn ở đâu?”, và các thông tin về “hồ sơ xin giấy phép kinh doanh khách sạn”, “thủ tục xin giấy phép kinh doanh khách sạn”.
Rất mong bài viết này sẽ hữu ích với bạn!